Tuesday, June 16, 2015

Nhà vệ sinh công cộng khiến người dân hoảng sợ

Đến Thủ đô Hà Nội, ai có nhu cầu đi vệ sinh đều cảm thấy hãi hùng vì sự bẩn thỉu, nhếch nhác và bất tiện của những nơi gọi là nhà vệ sinh công cộng.

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, nhiều nhà vệ sinh nằm ở các khu dân cư đều lạc hậu và bẩn thỉu và xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có các nhà vệ sinh công cộng đặt ở 3 phường: Khâm Thiên, Trung Phụng, Phương Liên (Q.Đống Đa). Tại P.Trung Phụng có 8 cái, phần lớn phục vụ nhu cầu của người dân đi chợ dọc phố Khâm Thiên và một số ít các hộ dân chưa có nhà vệ sinh riêng. Tuy nhiên, các nhà vệ sinh này đều được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước nên đã lỗi thời. Những người đi vệ sinh phải múc nước từ bể để dội, thay vì có hệ thống xả nước tự động. Sàn ở một số nhà vệ sinh bị vỡ thành hố sâu, rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Nhà vệ sinh ở Công viên Thủ Lệ lạc hậu khiến việc sử dụng rất mất vệ sinh - Ảnh Phạm Nga

Theo các hộ dân sống cạnh các nhà vệ sinh này, ngày mưa, rác thải và nước từ khu vệ sinh chảy tràn ra đường. Ngày nắng, mùi hôi thối, xú uế bốc lên nồng nặc. Những người dân sống gần khu vực hầu như nhà ai cũng phải đóng cửa để đỡ bị mùi xú uế. Không chỉ bị ô nhiễm, người dân của phường này còn phải cảnh giác khi nghiện ngập rình rập trộm cắp và đến các nhà vệ sinh để hút chích. Buổi tối, các nhà vệ sinh không có đèn điện nên bọn nghiện thường tụ tập. Ở các nhà vệ sinh tràn lan kim tiêm.

Đến các nhà vệ sinh công cộng tại các công viên như: Cầu Giấy, Thống Nhất, Thủ Lệ..., khách cũng không khỏi hãi hùng. Phần lớn cơ sở vật chất ở các nhà vệ sinh tại đây đều rất lạc hậu, xuống cấp khiến quy trình vệ sinh rất bất tiện. Người dân đi vệ sinh xong phải múc nước để dội rửa, khiến nước chảy lênh láng khắp sàn, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, rác vệ sinh bày bừa khắp nơi…

Do lạc hậu hay ý thức?
Trao đổi về tình trạng NVS ở P.Trung Phụng, ông Lê Vĩnh Bình, Phó chủ tịch UBND P.Trung Phụng cho biết, các nhà vệ sinh công cộng của phường do Xí nghiệp môi trường số 4 (trực thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) quản lý. Trước tình trạng bất cập trên, P.Trung Phụng đã đề nghị với công ty này cũng như với chính quyền cấp trên cho phá bỏ để xây dựng sân chơi cho trẻ em, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phường vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng truyền thông Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho rằng: “Ngày 2 lần, nhân viên của công ty đều đến làm vệ sinh sạch sẽ và có văn bản xác nhận của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố ở đấy. NVS bốc mùi, ô nhiễm là do ý thức của người dân ”.

Nói về đề nghị xóa bỏ nhà vệ sinh của P.Trung Phụng, ông Dũng cho rằng: “Rất nhiều cơ quan muốn phá dỡ nhà vệ sinh công cộng, trong khi đó dân vẫn “đi bậy” ra đường. Ở Trung Phụng, có những hộ vẫn chưa có nhà vệ sinh riêng, những người đi trên đường bất chợt có nhu cầu, không có nhà vệ sinh thì họ xử lý thế nào?”

Trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng mất vệ sinh ở nhà vệ sinh công viên, bà Trần Thị Mai Phương, Phó giám đốc Xí nghiệp duy trì cây xanh số 1, thuộc Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội, đơn vị quản lý công viên Thủ Lệ cho biết, mỗi ngày, các nhân viên dọn vệ sinh 2 lần vào sáng và đầu giờ chiều, thậm chí vào những ngày đông khách phải tăng cường lên 4, 5 lần. Bà Phương cho rằng, việc mất vệ sinh là do ý thức của người dân.

Đề cập đến việc có nên đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh có hệ thống xả nước tự động hay không thì bà Phương lập luận: “Xây dựng nhà vệ sinh hiện đại cũng tốt nhưng vì ở nơi công cộng nên cũng rất khó khăn trong công tác bảo vệ. Nếu xây nhà vệ sinh có cơ sở vật chất hiện đại thì khi hết giờ làm, công nhân đi về buộc phải khóa cửa. Như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu của khách!”
Nguồn: Thanh Niên Online

0 comments:

Post a Comment

Thiết kế kiến trúc thanh hóa - Thiết kế nội thất Thanh Hóa - Thi công nội thất Thanh Hóa - Thi công đồ gỗ Thanh Hóa - Thi công tủ bếp Thanh Hóa - Đá mỹ nghệ ninh vân